Chủ đề: Bản thân
Lĩnh vực: Phát triển ngôn ngữ
LQVH: Bài thơ: “Cái lưỡi”
Đối tượng: 3 – 4 tuổi
Thời gian: 20 – 25 phút
Người dạy: Lê Thị Hồng Chuyên
- MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
– Trẻ biết tên bài thơ, tên tác giả, hiểu nội dung bài thơ. Biết đọc thuộc bài thơ cùng với cô.
– Rèn cho trẻ kỹ năng trả lời cô đủ câu, trọn ý.
– Giáo dục trẻ biết bảo vệ, giữ gìn và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các bộ phận trên cơ thể.
- CHUẨN BỊ
– Hình ảnh minh họa nội dung bài thơ trên máy tính.
– Nhạc: ồ sao bé không lắc, năm ngón tay ngoan
III. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
- Hoạt động mở đầu
– Cô cho trẻ hát và vận động bài: “Ồ sao bé không lắc”
– Các con vừa hát bài gì? Bài hát nhắc đến những bộ phận nào trên cơ thể?
– Cho trẻ xem một số hình ảnh các bộ phận trên cơ thể
– Để giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh thì các con phải làm gì?
– Giáo dục trẻ thường xuyên giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ và ăn chín uống sôi, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.
– Cô cho trẻ xem hình ảnh cái lưỡi, hỏi trẻ:
– Các con có biết đây là cái gì không?
– À đúng rồi, đây là cái lưỡi, và để các con hiểu rõ hơn về vai trò của cái lưỡi thì chúng mình cùng chú ý lắng nghe cô đọc bài thơ: Cái lưỡi do tác giả Lê Thị Mỹ Phương sáng tác nhé!
- Hoạt động trọng tâm
- a) Cô đọc thơ diễn cảm
– Lần 1: Cô đọc diễn cảm bài thơ, kết hợp cử chỉ điệu bộ.
– Giới thiệu tên bài thơ, tên tác giả.
– Lần 2: Cô đọc diễn cảm bài thơ kết hợp sử dụng hình ảnh minh họa nội dung bài thơ.
– Hỏi trẻ tên bài thơ, tên tác giả?
+ Giảng giải nội dung: Bài thơ nói về cái lưỡi đấy, cái lưỡi có tác dụng giúp chúng mình nếm các vị chua, vị ngọt của thức ăn. Cái lưỡi còn nhắc nhở chúng mình khi ăn những đồ ăn nóng thì cần phải thổi, phải chờ thức ăn nguội mới ăn nếu không cái lưỡi sẽ bị bỏng và đau.
- b) Đàm thoại – Trích dẫn
– Cô vừa đọc bài thơ gì?
– Bài thơ do ai sáng tác?
– Cái lưỡi giúp chúng mình điều gì? (Nếm vị thức ăn)
– Các vị thức ăn đó như thế nào nhỉ? (Nào chua, nào ngọt)
+Trích dẫn: “ Tôi là cái lưỡi
Giúp bạn hàng ngày
Nếm vị thức ăn
Nào chua, nào ngọt”
– Vai trò của cái lưỡi rất quan trọng, cái lưỡi giúp chúng mình nếm các vị chua, ngọt của thức ăn.
– Giải thích từ khó: Trong đoạn thơ có từ “Nếm” có nghĩ là ăn thử một ít thức ăn để biết vị.
– Ngoài có tác dụng nếm vị thức ăn thì cái lưỡi còn nhắc nhở chúng mình điều gì?
+Trích dẫn: “ Những gì nóng quá
Bạn chớ vội ăn
Hãy chờ một tí
Không thì đau tôi ”
– Bốn câu thơ nhắc nhở chúng ta khi ăn những đồ ăn nóng các con phải thổi, phải chờ cho thức ăn nguội thì các con mới ăn nhé. Nếu không thì sẽ bị bỏng và làm đau chiếc lưỡi đấy.
– Giải thích từ khó: Trong đoạn thơ có từ “Chớ vội ăn” có nghĩa là từ từ hãy ăn.
– Chúng mình có yêu quí cái lưỡi không? Vì sao?
– Vậy các con phải làm gì để giữ gìn cái lưỡi của mình?
– Giáo dục: Cái lưỡi là một trong những bộ phận quan trọng của cơ thể chúng ta, vì vậy các con phải biết giữ gìn, thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, không cho tay vào miệng vì rất mất vệ sinh các con đã nhớ chưa?
– Bây giờ chúng mình cùng đọc thơ với cô nhé!
- c) Dạy trẻ đọc thơ
– Cho cả lớp đọc thơ cùng cô 2 – 3 lần
– Cho trẻ đọc lần lượt theo nhiều hình thức: Tổ, nhóm, cá nhân.
– Cô chú ý sửa sai, sửa ngọng và động viên, khuyến khích trẻ đọc thơ.
– Cho cả lớp đọc lại 1 lần
– Cô hỏi lại trẻ tên bài thơ, tên tác giả.
- d) Trò chơi: Chỉ nhanh nói đúng
– Cách chơi: Cô sẽ nói tên các bộ phận bất kỳ trên cơ thể, nói đến tên bộ phận nào các con phải chỉ đúng và nói đúng tác dụng của bộ phận đó.
– Luật chơi: Nếu bạn nào chỉ sai hoặc nói sai thì sẽ phải nhảy lò cò.
– Cô tổ chức cho trẻ chơi
– Động viên, khuyến khích, nhận xét trẻ sau khi chơi.
- Hoạt động kết thúc
– Hôm nay thời tiết rất đẹp, chúng mình cùng ra ngoài đi dạo với cô bằng đôi chân xinh nhé!
– Cô cho trẻ nhẹ nhàng đi ra sân chơi cùng với cô.