Chủ đề: Thế giới thực vật.
Lĩnh vực: Phát triển nhận thức
Hoạt động học: KPKH: Tìm hiểu một số loại quả.
Đối tượng: 3 – 4 tuổi A
Thời gian: 20 – 25 phút
Ngày soạn: 13/3/2023
Ngày dạy: 16/3/2023
Người thực hiện: Lê Thị Hồng Chuyên
- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
– Trẻ biết tên gọi, đặc điểm nổi bật, mùi vị, lợi ích của một số loại quả: Quả xoài, quả cam, quả dâu tây. Biết chơi trò chơi.
– Rèn kỹ năng quan sát, ghi nhớ và trả lời câu hỏi của cô đủ câu trọn ý.
– Giáo dục trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, biết ăn các loại quả để cơ thể khỏe mạnh, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
- CHUẨN BỊ
– Bạn xoài, bài giảng điện tử.
– Hình ảnh một số loại quả
– Giỏ quả: Quả xoài, quả cam, quả dâu tây.
– Đĩa, dĩa, khăn lau tay, dao nhỏ.
– Đĩa hoa quả cho trẻ chơi trò chơi
– Nhạc bài hát: Mango song; Quả gì, nhạc tiệc buffet.
III. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
- Hoạt động mở đầu
– Cô và trẻ vận động theo bài hát “Mango song”
– Các con có biết bài hát nhắc đến loại quả nào không?
– Từ “Mango” trong tiếng anh có nghĩa là quả xoài đấy các con ạ
– Bạn xoài xuất hiện, nói lời chào và tặng giỏ quà.
– 2. Hoạt động trọng tâm
- a) Tìm hiểu một số loại quả.
– Cô và các con cùng xem bạn Xoài tặng món quà gì nhé.
– Cô chia lớp thành 3 nhóm, mỗi nhóm một loại quả để thảo luận. Các đội hãy tìm hiểu xem loại quả của đội mình có những đặc điểm, màu sắc, hình dáng và mùi vị như thế nào.
Sau thời gian 1 phút, đại diện các nhóm lên tự giới thiệu về loại quả của nhóm mình sau đó các nhóm khác bổ sung.
* Quan sát quả xoài
– Cô đọc câu đố cho trẻ:
“Em là một loại quả ngon
Ruột vàng, có hạt ăn vào ngọt thơm”
– Đố các con biết đó là quả gì?
– Cho trẻ nhắc lại tên “Quả Xoài”
– Nhóm bạn nào tìm hiểu về quả xoài?
– Con hãy giới thiệu về loại quả mà nhóm con vừa tìm hiểu cho cô và các bạn cùng nghe nhé.
– Bạn nào có ý kiến bổ sung cho nhóm bạn không?
– Quả xoài có dạng hình gì? Quả xoài có màu gì?
– Vỏ xoài thì sao? Quả xoài có mùi như thế nào?
– Cho trẻ tri giác và ngửi mùi hương của quả xoài.
– Đố các bạn biết bên trong quả xoài như thế nào?
– Để biết bên trong quả xoài như thế nào thì chúng ta phải làm gì?
– Cô bổ quả xoài cho trẻ quan sát.
– Phần ruột của xoài có màu gì?
– Xoài có mấy hạt? Hạt có ăn được không?
– Cô hỏi trẻ về các loại xoài khác.
– Bạn nào được ăn quả xoài rồi? Các con đã được ăn xoài chế biến thành những món gì?
– Các con có biết ăn xoài cung cấp chất gì cho cơ thể không?
– Lát nữa cô con mình cùng thưởng thức nhé.
=> Cô khái quát lại: Quả xoài dài, khi còn non thì có màu xanh vị chua, khi chín sẽ có màu vàng vị ngọt, ăn quả xoài cung cấp chất vitamin cho cơ thể… Vỏ xoài nhẵn và khi ngửi có mùi rất thơm. Bên trong phần ruột của quả xoài có màu vàng và xoài chỉ có 1 hạt không ăn được.
* Quan sát quả cam
– Bây giờ các con hãy cùng đoán xem đây là quả gì?
– Cho trẻ nhắc lại tên “Quả Cam”
– Nhóm bạn nào đang khám phá về quả cam ?
– Con hãy giới thiệu về loại quả mà nhóm con vừa tìm hiểu nhé.
– Bạn khác bổ sung cho nhóm bạn nào?
– Quả cam có dạng hình gì? Có màu gì?
– Vỏ quả cam như thế nào ?
– Cô cho trẻ tri giác quả cam.
– Vậy không biết bên trong quả cam có gì nhỉ?
– Cô bóc vỏ quả cam.
– Khi cô bóc vỏ quả cam các con có ngửi thấy mùi gì không ?
– Quả Cam có hương thơm rất dễ chịu các con ạ
– Quả cam có phần gì đây? Trong múi có gì? Con có thường được ăn cam không? Ăn cam con thấy vị gì? Cam có thể ăn theo những cách nào? Các con có biết ăn cam cung cấp chất gì cho cơ thể không?
– Hỏi trẻ về đặc sản cam của Hòa Bình.
– Cô khái quát lại: Quả cam có dạng hình tròn, màu xanh hoặc vàng. Vỏ sần sùi, có vị chua hoặc ngọt. Cam có thể bóc vỏ hoặc bổ miếng khi ăn. Bóc vỏ cam ra sẽ thấy bên trong có các múi cam, trong múi lại có từng tép cam và có hạt nhỏ. Ăn cam cung cấp chất vitamin cho cơ thể…Khi ăn các con nhớ phải bỏ hạt nhé.
* Quan sát quả dâu tây
– Cô hỏi trẻ còn đội nào chưa giới thiệu về loại quả của đội mình.
– Mời nhóm dâu tây lên giới thiệu. Nhóm khác bổ sung.
– Đây là quả gì?
– Cho trẻ nhắc lại tên “Quả Dâu tây”
– Quả dâu tây có màu gì? Có dạng hình gì?
– Vỏ quả dâu tây như thế nào? Cho trẻ tri giác vỏ quả dâu tây.
– Quả dâu tây có hạt không ? hạt mọc ở đâu ?
– Con đã được ăn quả dâu tây chưa?
– Khi ăn con thấy vị như thế nào? Ăn dâu tây cung cấp chất gì ?
– Cô khái quát lại: Quả dâu tây nhỏ có dạng hình trái tim. Bên ngoài có màu đỏ và có núm bên trên. Điều đặc biệt của quả dâu tây là hạt mọc phía ngoài vỏ. Khi ăn có vị chua ngọt…Lát nữa cô và các con sẽ cùng thưởng thức nhé.
– Vừa rồi các con đã được tìm hiểu về những loại quả gì?
- b) So sánh
– So sánh quả xoài và quả dâu tây:
+ Giống nhau: Đều là các loại quả cung cấp vitamin cho cơ thể.
+ Khác nhau: Quả xoài dài, khi chín có màu vàng, vỏ nhẵn và chỉ có một hạt bên trong, khi chín ăn ngọt. Quả dâu tây nhỏ hình trái tim, có hạt mọc ở phía ngoài vỏ của quả. Ăn dâu tây có vị chua ngọt.
- c) Mở rộng
– Ngoài các loại quả trên thì các con còn biết những loại quả nào nữa?
– Cho trẻ xem hình ảnh về các loại quả.
– Các loại quả này có lợi ích gì cho con người?
– Giáo dục: Các con ạ, có rất nhiều các loại quả khác nhau, mỗi loại quả lại có hình dáng, đặc điểm, màu sắc và mùi vị khác nhau. Nhưng đều là nguồn thực phẩm quý giá cung cấp vitamin cho con người. Các con hãy thường xuyên ăn các loại quả để giúp cơ thể cao lớn, khỏe mạnh nhé.
- d) Trò chơi: Bày tiệc buffet.
– Các con có nhớ lúc nãy ai đã đến tặng giỏ quả cho lớp mình không?
– Bạn Xoài xuất hiện trở lại, mời các bạn đi đến lễ hội các loại quả để dự tiệc buffet
– Các con ơi, chúng mình cùng đến lễ hội và giúp bạn Xoài bày tiệc nào
– Cách chơi: Bạn Xoài đã chuẩn bị rất nhiều loại quả ngon để chúng mình thưởng thức trong bữa tiệc hôm nay, bây giờ cô sẽ chia lớp mình thành 2 đội xanh và đỏ, nhiệm vụ của các đội là lần lượt từng bạn sẽ lên lấy 1 đĩa quả để giúp bạn Xoài bày lên bàn tiệc, thời gian là một bản nhạc.
– Luật chơi: Mỗi bạn chỉ được lấy một đĩa quả/lượt.
– Cô tổ chức cho trẻ chơi.
– Cô động viên, khuyến khích trẻ trong khi chơi.
- Hoạt động kết thúc
– Bạn xoài nói lời cảm ơn: Cảm ơn các bạn đã giúp tôi bày mâm tiệc thật đẹp, bây giờ mời các bạn cùng thưởng thức những loại quả ngon nhất của gia đình chúng tôi nhé.
– Cô mời trẻ cùng dự tiệc buffet các loại quả cùng với bạn Xoài.