Khoảng thời gian bé ở trường mầm non là khi bé tiêu hao nhiều năng lượng hơn hẳn so với hồi bé chưa đi lớp. Bởi ở trường bé được tham gia các hoạt động vui chơi, học tập, vận động nhiều hơn về cả trí não và cơ thể. Vì thế mà dinh dưỡng cho bé mầm non vô cùng quan trọng.
Nếu như từ 1 – 3 tuổi, trẻ bắt đầu tò mò về mọi vật xung quanh thì đến 3 – 5 tuổi, trẻ đã biết tự mình khám phá vạn vật, liên tục đặt những câu hỏi cho người lớn. Đây cũng là giai đoạn trẻ bắt đầu học về văn hóa ăn uống, các món ăn, số lượng thức ăn mỗi ngày… và từ đó hình thành thói quen ăn uống của bản thân về sau.
Do đó, nếu bố mẹ không xây dựng thực đơn cho trẻ mẫu giáo đúng cách, trẻ có thể gặp phải những vấn đề dinh dưỡng ở độ tuổi này như:
- Suy dinh dưỡng: là tình trạng thiếu năng lượng, thiếu đạm và các vi chất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ.
- Thừa cân, béo phì: do năng lượng cung cấp nhiều hơn năng lượng tiêu hao, khiến tỷ lệ mỡ tích trữ trong cơ thể vượt mức bình thường.
- Biếng ăn: có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như bệnh lý, thức ăn đơn điệu khiến bé thấy chán ăn, do ảnh hưởng của thuốc hoặc bắt nguồn từ yếu tố tâm lý – bé không thoải mái khi ăn, bé sợ ăn vì bị ép…
Chậm tăng chiều cao: trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi, khiến trẻ thấp hơn bạn bè đồng trang lứa.
Đối với trẻ mầm non, mẫu giáo (3 – 5 tuổi), nhu cầu năng lượng khuyến nghị trung bình từ 1.230 – 1.320 kcal/ngày. Trong đó, chất bột đường chiếm 52 – 60%, chất đạm chiếm 13 – 20%, chất béo chiếm 25 – 35% tổng năng lượng khẩu phần. Trong đó, bữa ăn bán trú tại trường đạt từ 50-70% nhu cầu năng lượng 1 ngày (Tùy độ tuổi).
Trường Mầm non Tân Hòa A thực hiện xây dựng thực đơn cho trẻ ăn bán trú theo tuần (chẵn, lẻ) và theo mùa (Mùa đông, mùa hè) với 5 món: Cơm, món mặn, món xào, món canh và món tráng miệng.
Sau đây là thực đơn ở trường của bé để phụ huynh tham khảo và cùng phối hợp để cung cấp cho các con đầy đủ chất dinh dưỡng và đa dạng các món ăn:
Một số hình ảnh bé ăn bữa trưa tại trường: